Đường thiên lý gọi mời chân lãng tử
Bước song hành ngang dọc thỏa niềm riêng
Tuổi hoa niên còn đó bóng xế chiều
Bát thập lục hồn nghiêng về phía biển
Triền sóng xô ôm chầm lên khát vọng
Ngõ tiêu dao thêm ý vị cuộc đời
Mai nhắm mắt mỉm cười qua sương khói
Mãn nguyện rồi ta dừng bước rong chơi
Đây có lẽ là những câu thơ được để dành cho những người đam mê khám phá như cụ ông Nguyễn Văn Ngọc tại thành phố Hồ Chí Minh – người được biết đến là phượt thủ già nhất Việt Nam với đam mê đi phượt bất tận.
Thông Tin Về Phượt Thủ Già Nhất Việt Nam
Ít ai biết được rằng phượt thủ già nhất Việt Nam này sinh năm 1930, năm nay đã ngoài 90 tuổi. Có 11 người con, đáng nhẽ ra ở tầm tuổi này nhiều người đã và đang ở nhà hưởng thú điền viên, vui cùng con cháu. Nhưng không, cụ Ngọc lại lựa chọn rong ruổi khắp cả nước với niềm đam mê du lịch, trải nghiệm của mình.
Trong buổi trò chuyện với cụ ông Nguyễn Văn Ngọc vào buổi sáng cuối tuần đẹp trời mới thấy được việc thỏa mãn đam mê mang tơi năng lượng tích cực nhường nào tới tinh thần của mỗi người. Ngay khi bắt gặp cụ ông trong bộ đồ quần áo bình thường, mang chút bụi bặm đi trên con xe cub 50cc cổ với đồng hành lý lỉnh kỉnh trong chuyến phượt Cao Bằng tới đây chắc chắn ai ai đi qua cũng phải ngoái đầu lại nhìn.
Bươn chải cuộc sống tại chính thành phố Hồ Chí Minh bằng nghề đóng giày từ năm 16 tuổi, cụ ông Ngọc là chàng thanh niên ngày đó đã yêu thích đi du lịch. Với sự phóng khoáng và lời kể điềm nhiên ở cái tuổi xế chiều cụ ông cho biết tuổi trẻ đã phải trải qua nhiều sóng gió, bên cạnh đó còn vướng bận nhiều trong việc chăm sóc gia đình, con cái nên không có nhiều dịp đi đây đi đó. Trong chất giọng của tuổi già khi trò chuyện cùng Mê phượt vẫn hiện lên nhiều điều tích cực, một phẩm chất thường thấy ở các phượt thủ.
Khi giờ đây khi đã qua cái tuổi thất thập cổ lai hy và không còn gánh nặng về tài chính gia đình cụ ông lên đường khám phá nhiều nơi cùng cụ bà là vợ của mình trong hơn 8 năm qua. Giờ đây, khi người vợ của ông Ngọc sức khỏe có giảm sút đôi chút, nhưng mỗi năm ông Ngọc vẫn dành thời gian đi phượt Bắc Nam. Những chuyến phượt ngắn ngày khoảng 3 – 5 ngày. Còn những chuyến phượt dài có thể lên tới cả tháng, thậm chí tới 3 tháng khi đi phượt từ Nam ra Bắc.
Trải Nghiệm Của Phượt Thủ Già Nhất Khi Trải Qua Nhiều Hành Trình Xê Dịch
Cụ ông hồi tưởng kể lại trong buổi nói chuyến cùng Mê phượt về chuyến đi phượt đáng nhớ nhất: “Chuyến đi mà tôi ấn tượng nhất chính là đợt đi tới Hà Tiên, Kiên Giang gần dịp Tết. Thời điểm năm ấy tôi lựa chọn đi phượt dọc theo đường biên giới bằng xe máy với khoảng 100 cây. Lúc đó, đang đi được khoảng 30 cây thì bỗng nhiên xe bị hỏng giữa đường. Đoạn đường đó cũng ít xe cộ qua lại, tôi dắt bộ tới gần tối thì có chú xe ôm ra đẩy giúp. Lúc ra tới bến phà để sang sông thì chủ phà lại không nhận khách nữa vì kiêng vào ngày 23 âm lịch. Tới lúc về tới nhà thì tôi bị trễ mất hai ngày so với dự tính. Chuyến đi phượt đó mệt nhưng vui lắm”.
Gặp cụ ông ngoài đời có lẽ không nhiều người biết được năm nay cụ ông đã ngoài 90. Người đàn ông này đã từng có thời điểm một mình đổ đèo khu vực Tây Bắc. Một số con đèo nổi tiếng có thể kể đến như đèo Pha Din (Sơn La), Khau Pạ (Yên Bái), Ô Quy Hồ (cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn). Với kinh nghiệm nhiều năm đổ đèo của mình cụ xử lý ngon những khúc cua tay áo hay đổ đèo thắng đứng. Cụ ông chia sẻ kinh nghiệm khi gặp phải những dốc đường thẳng đứng. ‘Tôi đi trong khoảng 30 – 35km thôi, hai chân chìa ra làm phanh, tay lái ghì chặt. Khi xuống tới chân đèo tay mỏi tay, nhưng cảm giác đã lắm”.
Ẩn đằng sau vẻ ngoài bụi bặm, lam lũ của mình, thì ông Ngọc chính là một tay phượt cừ khôi. Kỹ năng đổ đèo, đổ dốc của ông cũng phải khiến nhiều người trẻ tuổi “ngả mũ” thán phục. Không chỉ có vậy cụ ông Văn Ngọc còn là người có vốn liếng tiếng Pháp. Trước kia khi trẻ có thời điểm ông làm phụ hồ đi xây các công trình và có thời gian tiếp xúc với người nước ngoài nhiều. Cụ ông cũng thành thục việc sử dụng các loại máy quay, máy chụp ảnh có tiếng nước ngoài. Quả thực là “Gừng càng già càng cay”.
Lý giải cho việc thích đi phượt, đi khám phá, cụ ông chia sẻ: bây giờ khi đã không phải lo nghĩ nhiều về con cái gia đình, tôi muốn đi nhiều nơi để thỏa trí tuổi trẻ. Muốn thấy thật nhiều cảnh đẹp trên đất nước. Những lúc rảnh rỗi ở nhà tôi cũng hay mang video, ảnh mà mình quay chụp để xem lại. Coi đó như thú vui khi về già.
Bộc bạch thêm về gia đình cụ ông nói: “Ở nhà tôi, mấy đứa nhỏ với vợ cũng khuyên là đã có tuổi nên hạn chế đi xa, mỗi chuyến đi đều có con cháu nó chuẩn bị hành trang cho cả.” Mỗi chuyến đi khi đến các địa điểm tôi đều gọi điện về nhà để thông báo, cũng để chia sẻ nhiều niềm vui với mọi người.
Khi Mê phượt hỏi cụ ông Nguyễn Văn Ngọc về hành trang quan trọng nhất với ông, ông đã chia sẻ về chiếc xe cub 50cc là một món quà mà con trai ông đã tặng. Chiếc xe đã theo ông hàng chục năm trời, đi qua bao hành trình. Chiếc xe cũng đã được ông độ thêm để phù hợp với những chuyến đi dài ngày. Để có thêm kinh phí trong các cuộc hành trình đi phượt của mình, bên cạnh khoản tiền các con chu cấp, cụ ông Văn Ngọc vẫn tiếp tục công việc sửa giày dép của mình, cụ tủm tỉm cười với công việc này 1 tháng cũng mang lại thu nhập khoảng 2 – 3 triệu cho bản thân. Tích lũy 3 – 4 tháng là có thể tự mình đi phượt rồi.
“Khi còn trẻ quá vướng bận vào gia đình, công việc không đi nhiều nơi, giờ đây tôi có nhiều thời gian, nơi nào vui, nơi nào thú vị là đều muốn đến hết trơn”, cụ ông chia sẻ với giọng miền Nam đầy trìu mến…
Thế mới có thể thấy được sự năng lượng mà người phượt thủ già nhất Việt Nam có là lớn đến nhường nào. Câu chuyện được cụ ông Văn Ngọc chia sẻ chắc chắn sẽ là liều thống tinh thần tiếp thêm động lực cho các phượt thủ trẻ trên những chặng đường dài phía trước